Bối cảnh Cải cách quân đội Nga năm 2008

Theo giới quan sát, sau khi Liên Xô tan rã, quân đội Nga đã bệ rạc, sa sút đi xuống nghiêm trọng cả về kỷ cương cũng như nguồn lực tài chính. Tình trạng say rượu trong quân ngũ khá phổ biến. Quân đội về chiến thuật bị coi là thiếu quyết đoán, còn binh lính trông giống như không đủ thể lực để chạy bộ nổi một dặm chứ đừng nói là đủ sức chạy nhanh.[5] Sau thảm họa tàu ngầm hạt nhân Kursk bị đắm ở Biển Barents vào ngày 12 tháng 8 năm 2000, thời điểm mà Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa mới nhậm chức lần thứ nhất, nhiều người ngỡ ngàng khi biết rằng lương của hạm trưởng chiếc tàu ngầm này chỉ là 200 USD mỗi tháng. Thực tế này cho thấy quân đội Nga đã bị suy giảm về sức mạnh và danh tiếng nghiêm trọng kể từ khi Liên Xô tan rã. Dưới thời tổng thống Boris Yeltsin và trong thời gian đầu nhiệm kỳ của Putin, ngân sách quốc phòng Nga giảm từ mức 246 tỷ USD năm 1988 xuống còn 14 tỷ USD năm 1994, quân số giảm từ 5 triệu người xuống còn một triệu người. Khi Yeltsin phát động cuộc chiến chống phiến quân Chechnya, Bộ tổng tham mưu quân đội Nga chỉ huy động được 65.000 người, dù nắm trong tay đội quân về lý thuyết có tới một triệu binh sĩ. Nga phản đối chiến dịch không kích của NATO vào Nam Tư năm 1999 và cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003, nhưng ảnh hưởng của nước Nga quá yếu để ngăn cản các động thái của phương Tây.[7]

Nước Nga dưới thời Vladimir Putin cũng đã nhận ra nhu cầu bức thiết về việc hiện đại hóa quân đội Nga từ sau chiến dịch quân sự ở Gruzia tháng 8 năm 2008, chiến dịch kéo dài 5 ngày này tuy là một thành công của Nga[8] nhưng trải qua 5 ngày xung đột với Gruzia cho thấy sự lạc hậu của vũ khí và chiến thuật Nga.[9] Chiến dịch tại Gruzia bộc lộ vô số điểm yếu cố hữu của quân đội Nga, bộc lộ hàng loạt yếu kém và lạc hậu về chiến thuật, khí tài của quân Nga, khiến họ hứng chịu thiệt hại nặng nề trước đối phương thua kém hơn nhiều. Lính Nga chiến đấu với vũ khí lạc hậu và trang bị cá nhân cũ kỹ, các sĩ quan phải sử dụng điện thoại di động cá nhân để liên lạc và ra lệnh cho cấp dưới do mạng lưới thông tin liên lạc quân sự liên tục hư hỏng[10] hoặc bị Gruzia nghe trộm. Các chiến đấu cơ không có phương án liên lạc với lực lượng mặt đất, khiến hiệu quả tác chiến giảm rõ rệt, nhiều lần bộ binh Nga đối mặt với cường kích Gruzia mà không có sự bảo vệ từ không quân.[9] Để giành chiến thắng trước một đối thủ yếu hơn rất nhiều, Nga đã mất tới 5 máy bay quân sự, trong đó có một máy bay ném bom chiến lược, điều rất khó chấp nhận trong chiến tranh hiện đại.[10] Dù lực lượng phòng không Gruzia không mạnh, không quân Nga vẫn mất tới ba cường kích Su-25 và một oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 chỉ trong chưa đầy một tuần, Moskva bị thiệt hại thêm một cường kích Su-24M, một máy bay trinh sát Su-24MR và một cường kích Su-25BM trong 5 ngày tham chiến tại Gruzia.[9] Các tổ hợp phòng không Gruzia chỉ bị vô hiệu hóa bởi bộ binh Nga sau ngày 11 tháng 8 năm 2008.[11]

Chiến dịch quân sự tại Nam Ossetia cho thấy yêu cầu hiện đại hóa toàn diện không quân Nga nói riêng và quân đội Nga nói chung.[11] Trên thực tế, quân đội Nga từng được huấn luyện tương tự như những hoạt động quân sự trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), điều không còn phù hợp với tình hình mới và các phương pháp tác chiến.[6] Quân đội Nga khi đó cũng đã bộc lộ nhiều điểm yếu về trình độ tác chiến và khả năng yếu kém của những vũ khí, trang bị cũ từ thời Liên Xô cũ, vốn chưa hề được nâng cấp, cải tiến nên được đánh giá là vẫn chưa thoát được phương Tây gán cho cái mác "Quân đội to xác, lạc hậu, chỉ dựa vào vũ khí hạt nhân"[12]. Nhận thức được điều đó nên ngay sau cuộc chiến tranh này, giới chính trị-quân sự ở Moscow đã tiến hành một cuộc cải tổ quân đội lớn về cả quy mô, tổ chức biên chế và cơ cấu vũ khí trang bị theo hướng tinh, gọn, hiện đại và hiệu quả. Chỉ hai tháng sau cuộc chiến, Thủ tướng Nga Vladimir Putin bắt đầu tiến hành chương trình hiện đại hóa và tái cấu trúc quân đội đầy tham vọng với chi phí ước tính lên tới 700 tỷ USD. Mục tiêu của ông là biến quân đội Nga từ lực lượng cồng kềnh chuyên đối phó với chiến tranh tổng lực giữa các cường quốc thành đội quân tinh gọn, phù hợp hơn với các cuộc xung đột khu vực và cục bộ. Dưới sự chỉ đạo của Putin, quân đội Nga đoạn tuyệt với mô hình được xây dựng từ năm 1870 để áp dụng cấu trúc lực lượng linh hoạt hơn, cho phép triển khai binh sĩ nhanh chóng mà không cần huy động binh lực quy mô lớn, mạng lưới chỉ huy và kiểm soát chiến trường cũng được thay đổi nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến.

Trước đây, Nga đã có một số nỗ lực cải cách như Lực lượng Lục quân Nga (cuộc cải cách theo kế hoạch Sergeyev vào năm 1997 dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng Igor SergeyevLực lượng Lục quân Nga (Cải cách dưới thời Putin trong chương trình 2003) của Tổng thống Vladimir Putin (nhấn mạnh Nhiệm vụ khẩn cấp để phát triển lực lượng vũ trang Liên bang Nga), chương trình sau này rất giống với chương trình năm 2008, vì nó đã nhấn mạnh đến nhu cầu cắt giảm biên chế nhân sự, một giảm dần việc sử dụng lính nghĩa vụ để dồn lực cho lực lượng quân nhân chuyên nghiệp, thành lập quân đoàn NCO chuyên nghiệp và những thay đổi mạnh mẽ trong đào tạo và công tác huấn luyện, đào tạo, giáo dục sĩ quan. Chương trình năm 2003 diễn ra với tốc độ rất chậm, chủ yếu là do quân đội không sẵn lòng cải cách.[13] Mọi việc bắt đầu khi ông Anatoly Serdyukov, một nhân vật quan chức dân sự hết sức bình thường, bất ngờ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 2 năm 2007. Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ông Serdyukov vào vị trí này với một mục đích duy nhất, đó là tiến hành những cải cách sâu sắc với tư cách là một người không có liên hệ với bộ máy quân đội và là người chủ trương ủng hộ một "đường hướng quản trị" hoàn toàn mới đối với việc tổ chức Các lực lượng vũ trang Nga, vào cuối tháng 8 năm 2008, các quyết định đã được đưa ra, để tiến tới một giai đoạn mới cải cách quân đội sâu sắc nhằm đem lại cho Các lực lượng vũ trang Nga "một diện mạo mới". Kế hoạch cải cách quân đội cơ bản đã được Bộ trưởng Quốc phòng Serdyukov công bố chính thức vào ngày 14 tháng 10 năm 2008.[14] Thời điểm này quân đội Nga bắt đầu có nhiều nguồn ngân sách lớn do những năm 2003, 2008, giá dầu khí trên thị trường thế giới tăng lên, làm tăng nguồn thu cho ngân quỹ nhà nước và cho phép tăng các khoản chi cho quốc phòng.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cải cách quân đội Nga năm 2008 https://hanoimoi.vn/nga-cai-to-luc-luong-quan-doi-... https://tuyengiao.vn/nga-voi-cuoc-cai-cach-quan-do... https://tienphong.vn/li-giai-quan-doi-nga-dang-lot... https://dantri.com.vn/the-gioi/quan-doi-nga-thu-ng... https://dantri.com.vn/the-gioi/quan-doi-nga-thu-ng... https://tuoitre.vn/linh-nga-o-crimea-khac-han-so-v... https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/quan-doi-nga-... https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/dieu-... https://vnexpress.net/su-lot-xac-cua-quan-doi-nga-... https://vnexpress.net/cuoc-chien-5-ngay-cua-nga-o-...